Giải đáp thắc mắc thường gặp khi đăng ký nhãn hiệu.
– nhãn hiệu mà người nộp đơn cần đăng ký đã có ai đăng ký hay chưa?
– Người nộp đơn nên tự nộp đơn hay thuê dịch vụ chuyên nghiệp?
1. Liệu nhãn hiệu mà người nộp đơn cần đăng ký đã có ai đăng ký hay chưa?
– Một nhãn hiệu dùng cho một sản phẩm, dịch vụ nhất định chỉ thuộc về một chủ thể duy nhất – là người nộp đơn đăng ký đầu tiên. Vì vậy, để tránh đầu tư công sức và chi phí vô ích, trước khi nộp đơn đăng ký, người nộp đơn cần biết chắc chắn nhãn hiệu mà mình muốn đăng ký chưa thuộc về người khác hoặc chưa có người nào khác nộp đơn đăng ký.
– Người nộp đơn có thể tự tra cứu thông tin về các nhãn hiệu đã có chủ sở hữu hoặc đã được nộp đơn đăng ký từ các nguồn sau đây:
+ Công báo Sở hữu công nghiệp do Cục sở hữu trí tuệ phát hành hàng tháng.
+ Đăng bạ quốc gia và đăng bạ quốc tế về nhãn hiệu hàng hóa (lưu tại cục sở hữu trí tuệ)
+ Cơ sở dữ liệu điện tử về nhãn hiệu đã đăng ký trực tiếp tại Việt Nam, do cục sở hữu trí tuệ công bố trên mạng
+ Cơ sở dữ liệu điện tử về nhãn hiệu đã đăng ký vào Việt Nam theo thỏa ước Madrid, do Tổ chức Sở hữu trí tuệ (wipo) công bố trên mạng
– Người nộp đơn cũng có thể sử dụng dịch vụ tra cứu thông tin của Cục sở hữu trí tuệ, với điều kiện phải nộp tiền phí dịch vụ theo quy định của Bộ tài chính. Dịch vụ tra cứu nhãn hiệu.
2. Người nộp đơn nên tự nộp đơn hay thuê dịch vụ chuyên nghiệp?
Người nộp đơn là tổ chức cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, tổ chức cá nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, có quyền tự mình nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hoặc có thể (nhưng không bắt buộc) thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.
Người nộp đơn là cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam bắt buộc phải nộp đơn đăng ký nhãn hiệu thông qua tổ chức dịch vụ đại diện SHTT tại Việt Nam
Nếu người nộp đơn chưa hiểu rõ cách thức làm và nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, và không muốn tham vấn Cục sở hữu trí tuệ thì nên sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp – thuê các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp thay mặt mình làm và nộp đơn.
Danh sách các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp đủ điều kiện hành nghề được đăng tải trên trang web: http://www.noip.gov.vn.
3. Hành động của người nộp đơn nếu việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không suôn sẻ
– Trường hợp Cục sở hữu trí tuệ có thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ hoặc dự định từ chối đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn cần sửa chữa những thiếu sót của đơn (nếu có thể) hoặc nêu ý kiến phản bác lý do dẫn đến dự định từ chối không xác định của Cục sở hữu trí tuệ.
– Trường hợp được Cục sở hữu trí tuệ thông báo về việc có người khác phản đối việc đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn cần sửa đổi mẫu nhãn hiệu, thu hẹp danh mục hàng hóa dịch vụ trong đơn, hoặc nêu ý kiến phản bác những lý lẽ, chứng cứ không xác đáng của người phản đối.
– Để khắc phục thiếu sót của đơn, người nộp đơn có thể sửa đổi đơn, tuy nhiên người nộp đơn không được phép sửa đổi mẫu nhãn hiệu và không được phép bổ sung hàng hóa, dịch vụ vào danh mục hàng hóa, dịch vụ đã khai trong đơn.
– Nếu không đồng ý với các quyết định của Cục sở hữu trí tuệ liên quan đến đơn đăng ký, người nộp đơn có thể khiếu nại lần đầu với Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ. Trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu, người nộp đơn có thể khiếu nại với Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ hoặc khởi kiện vụ án hành chính tòa án hành chính có thẩm quyền.