Nhãn hiệu đã từng xuất hiện từ rất lâu trong tiến trình lịch sử. Từ khoảng 3000 năm trước, những người thợ Ấn Độ đã sử dụng nhãn hiệu tên khắc trên sản phẩm của mình xuất khẩu; hay ở Trung Quốc khoảng 2000 năm trước, các thương nhân cũng đánh dấu nhãn hiệu của mình trên các sản phẩm hàng hóa;… Tuy nhiên, khi đó, vấn đề nhãn hiệu còn chưa được chú trọng do nó còn chưa mang tính kinh tế phổ biến. Từ thế kỷ 19, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường ngày càng cao, các sản phẩm được sản xuất và xuất khẩu ngày càng phong phú, đa dạng. Điều này đặt ra cho các nhà kinh doanh yêu cầu cần có nhãn hiệu riêng phân biệt sản phẩm của mình với các doanh nghiệp cạnh tranh khác.
Trong nền kinh tế thị trường, với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hàng hóa và dịch vụ cũng như trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay, vai trò của nhãn hiệu – một trong những đối tượng truyền thống và chủ yếu của sở hữu công nghiệp – ngày càng trở nên quan trọng. Với chức năng ban đầu là giúp người tiêu dùng phân biệt hàng hóa cùng loại của các nhà sản xuất khác nhau, qua quá trình sử dụng và phát triển, nhãn hiệu đã trở thành một công cụ hữu hiệu cho một doanh nghiệp (dù lớn hay nhỏ) tiếp cận, phát triển và bảo vệ thị phần hàng hóa và dịch vụ của mình.
Bảo hộ nhãn hiệu là một trong những vấn đề về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà thế giới rất quan tâm bảo vệ. Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế ngày nay cũng đang tham gia tích cực vào vấn đề bảo hộ nhãn hiệu giúp các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Để tìm hiểu và nắm bắt được rõ hơn vấn đề về bảo hộ nhãn hiệu của Việt Nam cùng tiến trình hội nhập quốc tế, bài viết dưới đây nhóm 2.3 xin trình bày về “Vấn đề bảo hộ nhãn hiệu theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.
Vì vậy, từ hàng trăm năm về trước luật bảo hộ nhãn hiệu đã ra đời tại một số quốc gia phát triển. Những nguyên tắc cơ bản của các luật nhãn hiệu ban đầu tỏ ra hợp lý và có sức sống đến tận ngày nay. Đó là việc nhãn hiệu được ưu tiên đăng ký bảo hộ cho người đăng ký trước (hoặc sử dụng trước), đó là việc nhãn hiệu được bảo hộ chống lại các hành vi của người khác sử dụng một nhãn hiệu trùng hoặc tương tự cho các sản phẩm hàng hóa trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu và sản phẩm của chủ nhãn hiệu.
Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường đã xuất hiện những nhãn hiệu hàng hóa nổi trội hơn nhờ được sử dụng lâu dài trên thị trường, với chất lượng, tính chất đặc trưng, cũng như uy tín mà hàng hóa mang lại. Những nhãn hiệu như vậy là sự kết tinh nỗ lực kinh doanh của một doanh nghiệp cả về vật chất lẫn trí tuệ, thường có giá trị tài sản rất lớn. Tất nhiên, những nhãn hiệu như vậy cũng luôn trở thành mục tiêu cho sự làm giả, sao chép, lợi dụng uy tín của các đối thủ cạnh tranh cũng như những kẻ làm ăn bất chính. Từ đây xuất hiện nhu cầu đòi hỏi phải tạo lập một chế độ bảo hộ đặc biệt hơn cho loại nhãn hiệu này – các nhãn hiệu nổi tiếng Và trong phạm vi bài tiểu luận này, nhóm chúng em sẽ đi sâu và làm sáng tỏ hơn các quy định pháp luật về nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam cũng như các quy định của các nước trên thế giới.